Bằng cách nào ngân sách nhà nước có thêm gần 700.000 tỷ đồng trong 5 tháng?

Admin

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 663.843 tỷ đồng, bằng 48,3% so với dự toán.

Bằng cách nào ngân sách nhà nước có thêm gần 700.000 tỷ đồng trong 5 tháng? - Ảnh 1.

Theo đó, con số trên bằng 96,9% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 25.603 tỷ đồng, bằng 61% so với dự toán, bằng 87,9% so với cùng kỳ. Thu nội địa ước đạt 638.240 tỷ đồng, bằng 47,9% so với dự toán pháp lệnh, bằng 97,3% so với cùng kỳ.

So với dự toán có 12/20 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 48%), trong đó một số khoản thu lớn như: khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 52,9%; khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 49,8%; thuế thu nhập cá nhân ước đạt 50,3%; thu cổ tức và lợi nhuận còn lại ước đạt 59,1%; Thu khác ngân sách ước đạt 96,5%; Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản ước đạt 59,9%... Có 12/20 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng so với cùng kỳ.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, thu nội địa 5 tháng đạt khá so dự toán chủ yếu là do thuế thu nhập DN (thu đạt 65,5% dự toán, tăng 23,5% so với cùng kỳ) và thu cổ tức và lợi nhuận còn lại (đạt 59,1% dự toán; tăng 25,5% so cùng kỳ). Ngoài ra, trong 5 tháng đầu năm nay phát sinh đột biến 2 khoản là thu chênh lệch thu chi ngân hàng nhà nước phát sinh trên 20 ngàn tỷ đồng và thu khác ngân sách phát sinh đột biến khoảng trên 13 ngàn tỷ đồng.

Bằng cách nào ngân sách nhà nước có thêm gần 700.000 tỷ đồng trong 5 tháng? - Ảnh 2.

Trong 5 tháng 2023, thu nội địa ước đạt 638.240 tỷ đồng. Ảnh minh họa.

Theo Tạp chí Thuế, kết quả có được là do trong 5 tháng đầu năm (tính đến ngày 15/5), toàn ngành thuế đã thực hiện được 14.727 cuộc thanh tra, kiểm tra, bằng 121,1% so với cùng kỳ năm 2022; kiểm tra được 160.460 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 20.382 tỷ đồng, bằng 217,5% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 4.721 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 472 tỷ đồng; giảm lỗ là 15.189 tỷ đồng.

Đến nay, toàn ngành thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 162 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 497,8 tỷ đồng; giảm lỗ 5.459,5 tỷ đồng; giảm khấu trừ 18,1 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 241 tỷ đồng. Trong đó thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu 243,3 tỷ đồng, giảm lỗ 5.021 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 98,8 tỷ đồng.

Cơ quan thuế các cấp đã thực hiện thu hồi được 18.408 tỷ đồng tiền nợ thuế, trong đó thu bằng biện pháp quản lý nợ là 15.780 tỷ đồng và thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 2.628 tỷ đồng.

Tính từ 1/7/2020 đến cuối tháng 5/2023, cơ quan thuế đã xử lý khoanh nợ, xóa nợ (theo Nghị quyết 94/2019/QH14) ước đạt 36.968 tỷ đồng. Trong đó xử lý khoanh nợ tiền thuế là 28.983 tỷ đồng; xử lý xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 7.985 tỷ đồng.

Bằng cách nào ngân sách nhà nước có thêm gần 700.000 tỷ đồng trong 5 tháng? - Ảnh 3.

Tổng thu ngân sách nhà nước tại TP HCM 5 tháng đầu năm 2023 ước thực hiện được 201.786 tỷ đồng. Ảnh minh họa.

Riêng TP HCM, tổng thu ngân sách nhà nước trên toàn địa bàn thành phố 5 tháng đầu năm 2023 ước thực hiện được 201.786 tỷ đồng, đạt 43% dự toán và giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, theo số liệu từ Cục Thống kê TP HCM, thu nội địa ước thực hiện 137.128 tỷ đồng, đạt 44,6% dự toán, chiếm 68% tổng thu cân đối và giảm 3,4% (so với cùng kỳ năm 2022); thu dầu thô ước thực hiện 10.066 tỷ đồng, đạt 62,9% dự toán, chiếm 5% tổng thu cân đối và giảm 9,3%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 54.590 tỷ đồng, đạt 37,4% dự toán, chiếm 27,1% tổng thu cân đối và giảm 6,2%.

Để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách, trong thời gian tới, ngành thuế sẽ chủ động bám sát tình hình trong nước và thế giới để nhận diện những rủi ro, đồng thời chủ động tham mưu những kịch bản, giải pháp điều hành thu ngân sách.

Bên cạnh đó, ngành thuế sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng danh sách, đôn đốc các nhà cung cấp nước ngoài chưa thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trên Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; kịp thời giải quyết các vướng mắc để nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định; nghiên cứu, phân tích yêu cầu nghiệp vụ, đề xuất các nội dung nâng cấp Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài báo cáo Tổng cục Thuế và phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện.

(Tổng hợp)