Cảnh giác với bệnh lý mạch máu

Admin

(NLĐO) - Bệnh viện Chợ Rẫy thường tiếp nhận bệnh nhân mắc các bệnh lý mạch máu ở khu vực vùng sâu vùng xa đến khám trong tình trạng muộn như loét chi, hoại tử…

Thông tin trên được TS-BS Lâm Văn Nút - Trưởng Khoa Phẫu thuật mạch máu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), Phó Chủ tịch Hội bệnh mạch máu Việt Nam - chia sẻ tại hội nghị khoa học các bệnh lý mạch máu do Hội Bệnh lý mạch máu Việt Nam tổ chức ngày 3-6.

Cảnh giác với bệnh lý mạch máu - Ảnh 1.

Các chuyên gia báo cáo tại hội nghị

Theo bác sĩ Lâm Văn Nút, hệ thống mạch máu đóng vai trò vận chuyển máu đi khắp cơ thể. Các bệnh lý của mạch máu là những bệnh lý ảnh hưởng lên trên hệ thống tuần hoàn. Khi động mạch vành tích tụ mảng bám và cholesterol sẽ dẫn đến tắc nghẽn.

Các bệnh lý mạch máu thường gặp như bệnh lý mạch máu ngoại vi; phình động mạch chủ bụng; bệnh lý mạch vành… Bệnh lý mạch máu có thể gây ra các biến chứng tim mạch nghiêm trọng như huyết khối, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Hiện bệnh vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Khi bệnh không được điều trị kịp thời, bệnh nhân thường bị biến chứng rất nguy hiểm.

Bệnh xảy ra đa phần ở người lớn tuổi (từ 50 tuổi trở lên), trong đó, 70% người bệnh tập trung ở độ tuổi từ 70 tuổi trở lên.

Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh lý mạch máu là do xơ vữa (chiếm 90%). Khi lớn tuổi xơ vữa thành mạch máu có thể gây hẹp, tắc, giãn, phình mạch máu. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như tiểu đường, rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, suy thận…

Hiện nay, mô hình bệnh tật liên quan đến mạch máu rất đa dạng, liên quan đến nhiều chuyên ngành khác nhau như tim mạch, nội tiết, lão khoa. Tuy nhiên, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ nên vấn đề chẩn đoán, can thiệp nội mạch đã kịp thời hạn chế các nguy cơ cũng như giải quyết cho nhiều trường hợp bệnh phức tạp.

Người phụ nữ vỡ mạch máu não khi cố hát karaoke



"Bệnh liên quan đến yếu tố sinh hoạt rất nhiều. Do đó, để phòng ngừa bệnh nên ăn uống tiết chế, có chế độ tập luyện hợp lý, không hút thuốc… 

Đặc biệt, bệnh thường diễn tiến âm thầm nên khi xuất hiện các dấu hiệu như tê chân, chuột rút, tăng huyết áp hoặc đang có bệnh lý kèm theo cần thường xuyên tầm soát, thăm khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh, điều trị sớm" – bác sĩ Nút khuyến cáo.

Phát biểu tại hội nghị, PGS-TS Nguyễn Hữu Ước, Chủ tịch Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, cho biết hội nghị có 149 bài báo cáo khoa học, 5 phiên chia sẻ, trao đổi nghiên cứu khoa học với các chuyên gia quốc tế… Đây là điều kiện để các bác sĩ trao đổi, cập nhật những kiến thức chuyên ngành mới nhất trong và ngoài nước về bệnh mạch máu nhằm tăng hiệu quả điều trị cho người bệnh.