Địa phương hụt thu ngân sách vẫn 'vô tư' chi: Ai chịu trách nhiệm?

Admin

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa chỉ đích danh một số tỉnh, thành giảm thu ngân sách nhưng chưa giảm chi tương ứng. Sau kết luận của KTNN, các địa phương cũng có giải trình liên quan việc giảm chi ngân sách, nhưng câu hỏi đặt ra là ai chịu trách nhiệm trước tình trạng giảm thu nhưng vẫn tăng chi này ở các địa phương?

Hụt thu nhưng chưa giảm chi

Hiện nay, việc dự toán thu chi ngân sách được phân cấp cho địa phương quyết định. Cùng với biến động kinh tế, một số khoản thu ngân sách giảm theo. Một trong những khoản thu hụt là thu từ xổ số kiến thiết và từ đất. Theo báo cáo kết quả kiểm toán năm 2022, KTNN cho biết, một số địa phương dù ngân sách hụt thu lớn nhưng chưa kịp thời điều chỉnh giảm chi tương ứng.

Tại Đồng Tháp, năm 2021, nguồn thu xổ số kiến thiết hụt 216,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Tháp chưa phối hợp để tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn thu năm 2021. Điều này khiến tổng số giải ngân năm 2021 và số đã chuyển kế hoạch vốn kéo dài sang năm 2022 vượt số thực thu năm tới 192,4 tỷ đồng.

Địa phương hụt thu ngân sách vẫn 'vô tư' chi: Ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 1.

Nhiều địa phương hụt thu ngân sách do hụt thu từ xổ số kiến thiết. Ảnh: ST

Tương tự, Sở Tài chính Bến Tre cũng chưa kịp thời rà soát, tham mưu UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương và báo cáo HĐND tỉnh điều chỉnh giảm một số khoản chi trong điều kiện nguồn thu xổ số kiến thiết không đạt dự toán giao. Điều này dẫn đến số giải ngân vượt số thực thu năm 2021 là 6,5 tỷ đồng.

“Thời điểm kiểm toán vào cuộc, các đơn vị phải trình đầy đủ hồ sơ, thủ tục. Nếu cơ quan kiểm toán kiểm tra mà địa phương không trình được hồ sơ, chứng từ thì phải chịu trách nhiệm”.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Tại Trà Vinh, số tiền hụt thu ngân sách nhà nước do hụt thu tiền sử dụng đất 115,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan trực thuộc như Kho bạc nhà nước, Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư Trà Vinh chưa phối hợp tham mưu UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh xem xét, điều chỉnh giảm dự toán chi từ nguồn thu tiền sử dụng đất đã phân bố ngay đầu năm 2021.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, theo phân cấp, địa phương chủ động thu chi ngân sách hằng năm. Bộ Tài chính giám sát, theo dõi tình hình thực hiện của địa phương.

“Luật Ngân sách quy định, địa phương phải cân đối thu chi ngân sách. Trên cơ sở số thu, địa phương quyết định số chi ngân sách tương ứng. Số chi bằng số thu cộng với bội chi ngân sách do Quốc hội quyết định. Địa phương không được chi vượt quá con số này. Địa phương phải đảm bảo nguồn thu để không vượt quá số chi này”, Thứ trưởng Võ Thành Hưng nói.

Với việc cơ quan kiểm toán chỉ ra một số hạn chế trong thu chi ngân sách, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, sẽ yêu cầu Vụ Quản lý Ngân sách tiếp tục làm rõ, báo cáo.

Làm rõ trách nhiệm khi mất cân đối thu – chi

Trao đổi với PV Tiền Phong về hạn chế trong thu chi ngân sách mà KTNN chỉ ra, đại diện một số địa phương cho biết, đang trình hồ sơ giảm chi ngân sách tương ứng với giảm thu. Theo ông, Tiêu Thanh Tân, Giám đốc Sở Tài chính Trà Vinh, Cơ quan kiểm toán kiểm tra hoạt động thu chi xảy ra trước thời điểm Sở Tài chính Trà Vinh trình văn bản về giảm chi tới HĐND tỉnh. Do đó việc trình thủ tục đề nghị giảm chi ngân sách bị chậm. Đến nay, Sở Tài chính Trà Vinh đã triển khai xong thủ tục giảm chi ngân sách tương ứng với giảm thu.

“Khi cảm thấy nguồn thu không đạt dự toán, chúng tôi giảm chi tương ứng để đảm bảo cân đối, không chi vượt dự toán. Trong kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Sở Tài chính Trà Vinh chỉ chậm trình thủ tục”, ông Tân nói.

Nói về kết luận của KTNN với khoản thu chi ngân sách của tỉnh Bến Tre, ông Võ Văn Phú - Giám đốc Sở Tài chính Bến Tre cho biết, sở đang đề nghị điều chỉnh và trình HĐND về khoản giảm chi. Theo ông Phú, Sở Tài chính Bến Tre đang làm tờ trình, đề nghị điều chỉnh khoản chi ngân sách khi kỳ họp HĐND tháng 7/2023 diễn ra. Đối với khoản chi từ nguồn thu tiền sử dụng đất phục vụ dự án xây dựng đầu tư cơ bản, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre đang thực hiện điều chỉnh.

“Sở Tài chính theo dõi tình hình thu, tuỳ theo tình hình thu sẽ có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh ngân sách phù hợp tình hình thu. Việc điều chỉnh bằng cách giảm, tiết kiệm khoản chi chưa cấp bách. Chúng tôi đã trao đổi với cơ quan Kiểm toán và thống nhất, làm hồ sơ đề nghị điều chỉnh khoản chi ngân sách”, ông Phú cho biết.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, ngân sách Nhà nước phải đảm bảo cân đối thu - chi, tránh bội chi. Trong thực tế, dự toán hằng năm, địa phương tính toán nguồn thu và chi tương xứng. Khoản chi phải xuất phát từ chi. Nếu nguồn thu giảm mà chi giữ nguyên sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ, mất cân đối ngân sách ảnh hưởng nhiều hơn.

“Luật Ngân sách là một trong những luật quan trọng. Nếu vi phạm nguyên tắc thu chi của luật sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế, ổn định chính sách an sinh xã hội. Khi phát hiện hạn chế trong thu chi ngân sách, cơ quan chức năng có biện pháp, chế tài xử lý tuỳ theo mức độ vi phạm”, ông Long nói đồng thời cho biết việc phân cấp quản lý ngân sách đã chỉ rõ trách nhiệm của địa phương trong dự toán thu - chi. Bộ Tài chính là cơ quan tổng hợp, giám sát khoản chi chưa giảm tương ứng để có chế tài phù hợp.