Kinh thánh tiếng Do Thái cổ nhất thế giới được bán với giá 38,1 triệu USD

Admin

Cuốn kinh thánh, được cho là có từ cuối thế kỷ thứ 9 hoặc đầu thế kỷ thứ 10, mang tên Codex Sassoon, đã được mua với giá 38,1 triệu USD hôm 17/5.

Theo hãng bán đấu giá nổi tiếng Sotheby's, Codex Sassoon là cuốn kinh thánh có giá trị nhất từng được đưa ra bán đấu giá. Mức giá kỷ lục đã vượt qua giá bán bản thảo bộ sưu tập các bài viết khoa học Codex Leicester của Leonardo da Vinci vào năm 1994, được bán với giá 30,8 triệu USD.

Đại sứ Mỹ tại Romania Alfred Moses đã mua Codex Sassoon thay mặt cho những người bạn Mỹ của ANU. Cuốn kinh thánh được tặng cho Bảo tàng ANU của cộng đồng người Do Thái ở Tel Aviv.

"Hiểu được tầm quan trọng lịch sử của Codex Sassoon, nhiệm vụ của tôi được thực hiện để cuốn kinh thánh được trưng bày ở một nơi mà tất cả mọi người trên toàn cầu đều có quyền truy cập", ông Moses nói trong một thông cáo báo chí. "Trong trái tim và tâm trí của tôi, nơi đó là vùng đất của Israel, cái nôi của đạo Do Thái, nơi khởi nguồn của kinh thánh tiếng Do Thái. Ở Israel, tại ANU, nó sẽ được bảo tồn cho các thế hệ sau như là trung tâm, là viên ngọc quý của toàn bộ khu trưng bày rộng rãi và sự hiện diện của lịch sử Do Thái".

Kinh thánh tiếng Do Thái cổ nhất thế giới được bán với giá 38,1 triệu USD - Ảnh 1.

(Ảnh: Sotheby's)

Codex Sassoon chứa tất cả 24 cuốn sách của kinh thánh tiếng Do Thái, nhưng thiếu 12 trang. Theo Sotheby's, cuốn kinh thánh đã được đặt làm và sở hữu bởi các cá nhân trong nhiều thế kỷ trước khi nó được tặng cho một giáo đường Do Thái ở Đông Bắc Syria vào thế kỷ 13.

Giáo đường Do Thái trên đã bị phá hủy vào khoảng cuối thế kỷ 14, nhưng cuốn kinh thánh đã được một thành viên cộng đồng bảo vệ. Kinh thánh xuất hiện trở lại vào năm 1929 và được rao bán cho David Solomon Sassoon, một học giả có bộ sưu tập các bản thảo tiếng Do Thái. Ông Sassoon đã mua cuốn kinh thánh và nó được đặt tên là Codex Sassoon dựa theo tên của ông.

Theo Sotheby's, cuốn kinh thánh đã được trưng bày tại nhiều địa điểm trên khắp thế giới trước cuộc đấu giá. Sharon Liberman Mintz, một chuyên gia Do Thái giáo và là cố vấn cấp cao tại nhà đấu giá, đã có cơ hội nghiên cứu Codex Sassoon trong hơn một năm.