Đưa sản phẩm OCOP vươn xa

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chủ trương lớn, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. OCOP còn giúp cải thiện và nâng cao đời sống người dân khi sản phẩm đặc trưng của địa phương được nâng tầm

Tỉnh Kiên Giang hiện có 176 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh. Trong đó, 6 sản phẩm tiềm năng đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia, 37 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 133 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao.

Nhiều sản phẩm nổi tiếng

Trong 176 sản phẩm OCOP của Kiên Giang, nhiều loại có thương hiệu, chất lượng rất tốt, cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước như: nước mắm Phú Quốc, rượu sim Phú Quốc, sản phẩm khô các loại, gạo hữu cơ, xoài cát Hòa Lộc Hòn Đất, khoai lang Mỹ Thái, sản phẩm chế biến từ khóm, trà túi lọc hoa đậu biếc…

Đưa sản phẩm OCOP vươn xa - Ảnh 1.

Quy trình sản xuất sản phẩm của cơ sở nước mắm Phú Quốc Khải Hoàn.Ảnh: QUYÊN VĂN

Đáng chú ý, cả 6 sản phẩm tiềm năng đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia ở Kiên Giang đều là nước mắm nổi tiếng của Phú Quốc, gồm: Nước mắm Phú Quốc Khải Hoàn 38 độ đạm, 40 độ đạm và 43 độ đạm; nước mắm Thanh Quốc 35 độ đạm, 40 độ đạm và 43 độ đạm.

Sau hơn 4 năm thực hiện chương trình OCOP, Cà Mau đã có 101 sản phẩm của 52 chủ thể được công nhận đạt chuẩn. Trong đó, 98 sản phẩm đạt 3 sao và 3 sản phẩm 4 sao. Đa phần các sản phẩm OCOP của tỉnh ở vùng cực Nam Tổ quốc là đặc sản nổi tiếng địa phương như: bánh phồng tôm, tôm khô, tôm chà bông, gạo hữu cơ, dưa bồn bồn, cua biển Năm Căn, ba khía, nước cốt trái nhàu nguyên chất...

Trong khi đó, Hậu Giang có 7 cơ sở chế biến các sản phẩm từ cá thát lát đều đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao. Trong đó, HTX Kỳ Như (huyện Phụng Hiệp) có đến 13 sản phẩm từ cá thát lát như: cá thát lát rút xương tẩm gia vị, khổ qua rừng nhân cá thát lát, bánh phồng cá thát lát...

Những cơ sở, HTX chế biến đều có nguồn cá tươi ổn định, thu mua từ người nuôi bên ngoài hoặc có thể phân chia khâu, các thành viên HTX trực tiếp nuôi. Qua nhiều công đoạn làm sạch, nạo và sơ chế cùng các loại gia vị, những sản phẩm từ cá thát lát được khoác lên màu áo mới, sẵn sàng lên kệ để đến với người tiêu dùng.

Theo bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như, nhiều sản phẩm của cơ sở là sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực vào năm 2018. Từ đó đến nay, sản phẩm cá thát lát tại HTX nói riêng và ở tỉnh Hậu Giang nói chung đã có được chỗ đứng mới, ổn định trên thị trường. Sản phẩm được chế biến từ 100% thịt cá tươi, nguyên chất; quy trình sản xuất đạt chuẩn HACCP (hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn); cải tiến cách đóng gói, bao bì; giá thành hợp lý; tích cực đưa các mặt hàng đến hội chợ, hội nghị để quảng bá là bí quyết tạo nên thương hiệu.

Tại TP Cần Thơ, sau 4 năm khởi nghiệp, các sản phẩm trà hòa tan làm từ nông sản của dược sĩ Đoàn Thị Hồng Thắm (Giám đốc Công ty TNHH MTV Hygie & Panacee, trụ sở ở quận Ninh Kiều) đã được thị trường đón nhận. Trong y học cổ truyền, gừng vị cay, tính ấm, có tác dụng giải độc, giảm chóng mặt, hoa mắt; rau diếp cá trị trĩ, táo bón, những bệnh về giãn tĩnh mạch rất tốt… - những nông sản này đều có thể được chế biến thành trà hòa tan.

Bà Thắm cho biết: "Xuất thân là dược sĩ, từng làm ở nhiều công ty dược nên tôi có niềm đam mê với dược liệu". Trung bình mỗi tháng, công ty của bà xuất bán khoảng 700 kg trà hòa tan các loại với giá 225.000 - 240.000 đồng/hộp 250 g. Đến nay, công ty này có 12 sản phẩm trà hòa tan, trong đó 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao của UBND TP Cần Thơ.

Đưa lên sàn thương mại điện tử

Dù nước mắm Phú Quốc đã có mặt trên thị trường trong và ngoài nước với tư cách là sản phẩm OCOP 4 sao quốc gia nhưng người làm nước mắm truyền thống ở "đảo ngọc" vẫn không ngừng nỗ lực để nâng tầm chất lượng lên chuẩn 5 sao.

Để có được sản phẩm sắp vượt qua ngưỡng OCOP 4 sao là cả một quá trình lao động nghiêm túc, kỳ công. Người làm nước mắm truyền thống ở Phú Quốc cẩn trọng từ khâu tìm nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, phải chọn loại cá cơm than có thân nhỏ, thơm ngon, nhiều chất đạm. Cá cơm được chọn vẫn còn tươi trong, được sơ chế ngay tại tàu để bảo đảm chất lượng.

Nếu trước đây mạnh ai nấy làm, mỗi người một kiểu thì nay, nhiều doanh nghiệp ở Phú Quốc đã xây dựng đội tàu riêng để chủ động nguồn nguyên liệu. Ngư dân vì thế cũng được bảo đảm cuộc sống khi là một phần quan trọng trong quy trình từ đại dương tới tay người tiêu dùng của sản phẩm nước mắm Phú Quốc.

Theo ông Huỳnh Thanh Liêm, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, thời gian qua, việc triển khai thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn đã thu hút nhiều cơ sở, doanh nghiệp tham gia nhưng vẫn còn ít so với tiềm năng thực tế của tỉnh. Nhiều cơ sở chưa thấy hết ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sản phẩm được bình chọn đạt chuẩn OCOP nên chưa mạnh dạn tham gia.

Đưa sản phẩm OCOP vươn xa - Ảnh 2.

Các sản phẩm OCOP của TP Cần Thơ ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: CA LINH

Ông Liêm cho biết: "Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các cơ sở sản xuất địa phương nâng tầm những sản phẩm đạt chuẩn OCOP và cao hơn. TP Phú Quốc có rất nhiều tiềm năng để các sản phẩm OCOP gắn với du lịch. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ để các chủ thể mạnh dạn đăng ký tham gia chương trình này".

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, để sản phẩm OCOP được người tiêu dùng đón nhận rộng rãi, sở sẽ hướng dẫn các chủ thể ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt; biết sử dụng các app hướng dẫn, truy xuất, quản lý mã vùng trồng, đăng ký mã vùng trồng; cũng như đăng sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử để bán được nhiều hơn.

Trong khi đó, ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, cho rằng dù tỉnh còn ít sản phẩm OCOP nhưng doanh thu từng sản phẩm lại rất cao. Các sản phẩm như đường thốt nốt, nước màu thốt nốt, mắm, khô cá lóc… đang được thị trường trong và ngoài nước tiêu thụ mạnh.

"Chúng tôi đã và đang phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh thông qua các kỳ hội chợ triển lãm, hội nghị, hội thảo, kết nối giao thương; đào tạo tập huấn; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua những sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến; đưa sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bày bán hàng hóa gắn với những khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn…" - ông Hiếu thông tin. 

Nâng tầm nhận diện thương hiệu

Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, cho hay hiện nay, những hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh đều có sự góp mặt của các mặt hàng đến từ cây khóm Cầu Đúc. Bên cạnh đó, chi cục còn tăng cường kết nối, đưa các sản phẩm này lên sàn thương mại điện tử, website nông sản Hậu Giang và app Hậu Giang...

Ông Sơn nhận xét: "Qua những cách làm đó, thương hiệu khóm Cầu Đúc ngày càng lan xa. Nhiều công ty, doanh nghiệp đã thu mua khóm về chế biến đóng hộp, nước ép, sấy khô để bán ra các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga... Ngoài ra, chúng tôi đang chạy đua để tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như bao bì, tiếp tục cải thiện số sao OCOP, nâng tầm nhận diện thương hiệu... để ngày càng có nhiều người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng".

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Đưa sản phẩm OCOP vươn xa - Ảnh 4.
Đưa sản phẩm OCOP vươn xa - Ảnh 5.
Đưa sản phẩm OCOP vươn xa - Ảnh 6.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.vn/dua-san-pham-ocop-vuon-xa-a30062.html