Trình Quốc hội các cơ chế đột phá phát triển TP HCM

Cơ chế, chính sách không chỉ dành riêng cho TP HCM mà tạo điều kiện để TP HCM phát huy vai trò đầu tàu, thúc đẩy phát triển kinh tế cả nước.

Theo chương trình kỳ họp thứ 5, ngày 26-5, Chính phủ sẽ trình Quốc hội (QH) dự thảo nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.

Cơ chế đột phá, tác động lan tỏa

Chính phủ cho biết dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 gồm 4 nhóm cơ chế, chính sách. Nhóm 1 là các cơ chế chính sách được kế thừa từ Nghị quyết 54; nhóm 2 là các cơ chế, chính sách được quy định tại các nghị quyết đặc thù của các địa phương khác; nhóm 3 là các cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo luật đang trình QH cho ý kiến và nhóm 4 các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa.

Đối với nhóm các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa, Chính phủ đề xuất trường hợp TP HCM dự kiến có nguồn thu ngân sách địa phương để bố trí tăng chi đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì thành phố được thực hiện trước việc phân bổ nguồn thu này cho các dự án mới, bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, làm cơ sở bố trí vốn hằng năm và báo cáo QH vào năm cuối kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thành phố được sử dụng vốn đầu tư công của ngân sách thành phố ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam thực hiện cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm.

Trình Quốc hội các cơ chế đột phá phát triển TP HCM - Ảnh 1.

Nghị quyết mới sẽ tháo gỡ nhiều nút thắt cho TP HCM trên tất cả lĩnh vực. Trong ảnh: Một góc TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Chính phủ cũng đề xuất cho phép thành phố được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa và được chủ động quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án PPP này. Thành phố được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án công trình đường bộ hiện hữu với các điều kiện thực hiện bảo đảm lợi ích của người dân; được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT thanh toán bằng tiền từ ngân sách thành phố. Đồng thời, thành phố được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng; hỗ trợ các địa phương khác trong nước và một số địa phương tại nước khác.

Tại dự thảo nghị quyết, các cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển nhà ở xã hội, ưu đãi thu hút nhà đầu tư, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thành lập Sở An toàn thực phẩm… đã được Chính phủ đề xuất áp dụng cho TP HCM. Bên cạnh đó là các cơ chế về phân cấp, phân quyền cho TP HCM, TP Thủ Đức để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đại biểu ủng hộ, mong muốn Quốc hội thông qua

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều đại biểu (ĐB) QH bày tỏ sự ủng hộ ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM. ĐB Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP Hà Nội) cho rằng nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM là rất cần thiết và mong muốn QH sẽ thông qua nghị quyết này tại kỳ họp thứ 5. Theo bà Hà, đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, thách thức tác động lớn đến kinh tế của TP HCM. "Nghị quyết mới sẽ tháo gỡ nhiều nút thắt cho TP HCM trên tất cả lĩnh vực, giúp thành phố khai phóng tối ưu tiềm năng, dư địa, lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững. Nghị quyết mới không chỉ tháo gỡ cho TP HCM mà còn cho cả nước" - bà Nhị Hà nhận định, đồng thời cho rằng nếu được QH thông qua, TP HCM cần có kế hoạch, giải pháp để nhanh chóng triển khai hiệu quả, phân công cụ thể với từng lĩnh vực cho các đơn vị liên quan nhằm sớm đưa nghị quyết vào thực tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. ĐB Trương Xuân Cừ, Ủy viên Ủy ban Xã hội của QH, nhấn mạnh tính cấp thiết phải ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 là khi TP HCM phát triển sẽ là động lực vùng, kéo theo các địa phương khác cùng phát triển.

Theo báo cáo của Chính phủ, nghị quyết mới nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần xây dựng và phát triển TP HCM. "Việc xây dựng cơ chế, chính sách không phải chỉ riêng cho TP HCM mà còn tạo điều kiện cho TP HCM phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước" - Chính phủ nêu rõ. 

Đại biểu TẠ VĂN HẠ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:

Một hình thức đầu tư cho TP HCM

Việc ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 cũng là một hình thức đầu tư - đầu tư cho TP HCM bằng một cơ chế, chính sách. Đầu tư cho TP HCM là đầu tư cho cả nước, để đầu tàu kinh tế thực sự phát huy vai trò. Tôi ủng hộ cơ chế tăng cường hơn nữa việc phân quyền, giao trách nhiệm cho TP HCM để thành phố thực hiện công việc một cách chủ động, linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế. Đây cũng là mô hình thử nghiệm để chúng ta yên tâm hơn nữa trong công tác tăng cường phân cấp, phân quyền. Về dài hạn, chúng ta nghiên cứu có nên cần thiết xây dựng một luật dành riêng cho TP HCM không. Hiện đã có Luật Thủ đô rồi, với những đặc thù, đặc biệt của TP HCM, nếu cần thiết có thể nghiên cứu để xây dựng một luật riêng dành cho thành phố này.

Đại biểu HOÀNG VĂN CƯỜNG (đoàn TP Hà Nội):

Kỳ vọng sự nhảy vọt của TP HCM

Vai trò của TP HCM là rất quan trọng, là trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có vai trò quan trọng trong điều tiết về ngân sách trung ương, hiện đóng góp khoảng 27% ngân sách. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của TP HCM vừa qua thấp do một phần bị bó buộc bởi cơ chế, chính sách. Vì vậy, cần thiết ban hành nghị quyết mới để có các cơ chế, chính sách đặc thù để "cởi trói" cho thành phố. Việc có chính sách vượt trội là cần thiết không chỉ đối với thành phố mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Trong dự thảo nghị quyết lần này không phải cơ chế, chính sách đặc thù nữa, mà là một khung khổ pháp luật để thành phố đi trước, hành động trước, góp phần tháo gỡ các vướng mắc, rào cản cho bản thân thành phố. Với những cơ chế, chính sách mới, cùng với sự năng động vốn có của TP HCM, kỳ vọng sẽ tạo sự nhảy vọt về phát triển cho địa phương.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.vn/trinh-quoc-hoi-cac-co-che-dot-pha-phat-trien-tp-hcm-a48269.html