Bình Thuận: Nhiều cơ sở bán mỹ phẩm, thời trang nhập lậu không nguồn gốc

Admin

Ngày 9/4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận đã phát hiện, xử lý cơ sở kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu tại thị xã La Gi với số tiền phạt tới 30 triệu đồng.

Theo đó, ngày 6/3, thông qua công tác quản lý địa bàn, kiểm soát viên thuộc Đội Quản lý thị trường số 2 đã phát hiện dấu hiệu vi phạm nên tiến hành kiểm tra đột xuất đối với một cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, tại phường Phước Hội (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) về hành vi kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở kinh doanh đang bày bán 183 sản phẩm mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất, tổng giá trị lô hàng là 31.620.000 đồng.

Qua làm việc với chủ cơ sở, bà Lê thị A. thừa nhận lô hàng mỹ phẩm trên được bà mua trôi nổi trên thị trường, không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp là hàng hoá nhập lậu, vì giá thành sản phẩm rẻ hơn thị trường nên bà đã chấp nhận mua về kinh doanh để kiếm lời.

Căn cứ các quy định của pháp luật, Đội Quản lý thị trường số 2 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà Lê Thị A. về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu là mỹ phẩm.

Đồng thời, chuyển hồ sơ vi phạm lên cấp có thẩm quyền ra Quyết định xử phạt 30 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh mỹ phẩm do bà Lê Thị A. làm chủ về hành vi vi phạm hành chính nêu trên, tịch thu 183 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu các loại theo đúng quy định. 

Tiêu dùng & Dư luận - Bình Thuận: Nhiều cơ sở bán mỹ phẩm, thời trang nhập lậu không nguồn gốc

Đội Quản lý thị trường số 2 kiểm tra cơ sở vi phạm. (Ảnh: QLTT).

Trước đó, ngày 3/4, Đội Quản lý thị trường số 1 đã kiểm tra 19 cơ sở kinh doanh sản phẩm thời trang phát hiện và xử lý 17 vụ, trong đó tập trung tại ba hành vi vi phạm như: kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi, không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.

Tổng số tiền xử phạt thu nộp ngân sách nhà nước là 176.500.000 đồng, tịch thu 1.847 sản phẩm giày dép, quần áo, túi xách các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng giá trị 355.550.000 đồng.

Qua kết quả kiểm tra và xử lý trên Đội Quản lý thị trường số 1 nhận thấy các cơ sở kinh doanh sản phẩm thời trang trên địa bàn còn chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh. Trong thời gian tới Đội Quản lý thị trường số 1 tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn.

Tiêu dùng & Dư luận - Bình Thuận: Nhiều cơ sở bán mỹ phẩm, thời trang nhập lậu không nguồn gốc (Hình 2).

Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra cơ sở bán đồ thời trang. (Ảnh: QLTT).

Cũng dịp này, Đội Quản lý thị trường số 1 đã  tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh sản phẩm thời trang nói riêng và các sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương nói chung, qua đó góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn quản lý.

Từ đó, các cơ sở kinh doanh hiểu các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh. Qua đó, đảm bảo Đội Quản lý thị trường số 1 thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm xảy ra trên địa bàn quản lý.