Bình Thuận sẽ phá bỏ hơn 600 ha rừng để xây hồ chứa nước Ka Pét

Admin

Hồ chứa nước có dung tích hơn 51 triệu m3, được xây dựng tại xã Mỹ Thạnh, trên diện tích gần 700 ha với thời gian kết thúc thực hiện dự án là cuối năm 2025.

Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận có tổng vốn hơn 874 tỷ đồng. Công trình đã được Quốc hội duyệt chủ trương đầu tư năm 2019 và biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thời gian kết thúc thực hiện dự án là cuối năm 2025. Theo kết quả kiểm kê, đánh giá hiện trạng có rừng của dự án Hồ chứa nước Ka Pét là 619,58 ha.

Diện tích rừng được khai thác để nhường đất cho dự án đang thuộc quản lý của 3 đơn vị, gồm: Ban quản  lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận; Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông.

Hồ chứa nước có dung tích hơn 51 triệu m3, được xây dựng tại xã Mỹ Thạnh, trên diện tích gần 700 ha, trong đó có hơn 619 ha đang là rừng tự nhiên, gồm cả 3 loại: đặc dụng, phòng hộ và sản xuất.

Dân sinh - Bình Thuận sẽ phá bỏ hơn 600 ha rừng để xây hồ chứa nước Ka Pét

Hiện trạng rừng Mỹ Thạnh sẽ được khai thác, nhường mặt bằng thi công dự án hồ chứa nước Ka Pét, tháng 7/2023. (Ảnh:V.Q)

Xử lý cây rừng trong khu vực dự án như thế nào?

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các sở ban ngành có liên quan xác định chính xác ranh giới vùng ngập tại bản đồ và thực địa, cắm mốc, xịt sơn rõ ranh giới, quản lý chặt chẽ phần bên ngoài ranh trong quá trình khai thác (khi khai thác sẽ thành lập Tổ giám sát cụ thể).

Đồng thời phối hợp với Ban Quản lý dự án Đầu tư Công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khẩn trương trình phê duyệt dự án đầu tư và hồ sơ đánh giá tác động môi trường để làm cơ sở thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng.

Thực hiện các thủ tục đấu thầu chọn đơn vị tư vấn lập Phương án khai thác để trình Sở thẩm định. Bên cạnh đó thực hiện các thủ tục đấu thầu chọn đơn vị tư vấn định giá giá trị lâm sản để làm cơ sở tiến hành đấu giá, đơn vị nào trúng thầu thì đôn đốc đẩy nhanh khai thác, bàn giao mặt bằng.

Kế hoạch trồng rừng thay thế ra sao?

Trên cơ sở số liệu kết quả kiểm kê đánh giá hiện trạng rừng và kết quả cập nhật bổ sung điều chỉnh chủ trương dự án, căn cứ Điều 21 Luật Lâm nghiệp năm 2017 thì tổng diện tích phải trồng rừng thay thế là 1.844,54 ha.

Dân sinh - Bình Thuận sẽ phá bỏ hơn 600 ha rừng để xây hồ chứa nước Ka Pét (Hình 2).

Ảnh mô hình thiết kế hồ chứa nước Ka Pét. (Ảnh:V.Q)

Hiện nay, theo quy định Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội cho phép trồng rừng thay thế trên diện tích đất được quy hoạch cả 3 loại rừng: đặc dụng, phòng hộ và sản xuất.

Đồng thời do Ban Quản lý dự án Đầu tư Công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh không đủ cơ sở tự thực hiện trồng rừng thay thế nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Ban Quản lý dự án Đầu tư Công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  tỉnh lập thủ tục trồng rừng thay thế cho toàn bộ diện tích phải trồng rừng thay thế của dự án là 1.844,54 ha.

Sau khi đầy đủ các điều kiện theo quy định thì Ban Quản lý dự án Đầu tư Công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh có đơn đề nghị trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định về đất và trình UBND tỉnh quyết định.