Bộ trưởng Bộ TT&TT đề xuất tăng ngân sách đặt hàng báo chí

Admin

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay, chi thường xuyên cho báo chí thông qua giao nhiệm vụ và đặt hàng chỉ dưới 0,5% tổng chi ngân sách thường xuyên của Nhà nước.

Sáng 13/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023).

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định quan tâm tới báo chí cách mạng chính là quan tâm tới sự nghiệp cách mạng. Ông cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn có sự quan tâm đối với nền báo chí cách mạng, trong đó có buổi gặp mặt thân tình với lãnh đạo các cơ quan báo chí.

Trước đây coi công tác truyền thông là việc của báo chí trong khi báo chí chỉ là một trong những phương tiện truyền thông, ông cho rằng, thay đổi nhận thức này có ý nghĩa quan trọng sẽ thay đổi căn bản truyền thông chính sách.

Bộ TT&TT đang sửa văn bản pháp luật liên quan để hoàn thiện cơ chế đặt hàng báo chí, nhất là nghị định, thông tư về nhuận bút, định mức kinh tế kỹ thuật sao cho phù hợp với thị trường. “Các cơ quan báo chí hãy cùng làm với Bộ vì chỉ như vậy mới sát với cuộc sống”, ông Hùng nói.

Sự kiện - Bộ trưởng Bộ TT&TT đề xuất tăng ngân sách đặt hàng báo chí

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng (Ảnh: VGP).

Ông Hùng nhận định, báo chí gần 100 năm nay tập trung vào mảng nội dung, tập trung vào cây bút, trang giấy mà ít khi “phải lo” vấn đề công nghệ. Nhưng công nghệ số đã trở thành lực lượng sản xuất cơ bản của hầu hết lĩnh vực và đặc biệt là báo chí. Công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên, mạnh mẽ nhất và sâu rộng tới báo chí truyền thông.

“Sử dụng công nghệ số để làm báo đã trở thành vấn đề sống còn của báo chí”, ông Hùng nói.

Tháng 5/2023 Thủ tướng ban hành chiến lược chuyển đổi số báo chí, Bộ TT&TT đã thành lập trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí trực thuộc Cục Báo chí, “có khó khăn gì, hỗ trợ gì, các cơ quan báo chí hãy liên hệ trung tâm này”.

Đồng thời, ông cho biết Bộ sẽ huy động các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ số hỗ trợ toàn diện cho cơ quan báo chí. Ngoài ra, Bộ sẽ hỗ trợ xây dựng một số nền tảng chung cho cơ quan báo chí, nhất là với cơ quan báo chí nhỏ, hạn chế về công nghệ.

Người đứng đầu Bộ TT&TT cho hay, với sự xuất hiện của truyền thông xã hội thì báo chí không còn độc quyền về thông tin, một cá nhân trên mạng xã hội có thể ảnh hưởng lớn như một tờ báo.

Do đó, ông cho rằng, báo chí phải trở thành dòng chủ lưu trên không gian mạng, dẫn dắt thông tin, thay vì viết nhiều bài thì cần viết bài để dẫn dắt (5% tin bài của báo chí để dẫn 95% còn lại). Mỗi cơ quan báo chí phải trở thành nền tảng để người dân tham gia viết, cần làm chủ nền tảng số là làm chủ được dòng chủ lưu.

Trước đây báo chí tập trung đầu tư vào con người thì nay phải tập trung đầu tư vào công cụ, công cụ trước đây là cây bút, trang giấy thì nay là công nghệ, là nền tảng số, trước đây đầu tư vào truyền dẫn, phát sóng thì nay phải đầu tư vào nền tảng số.

Sự kiện - Bộ trưởng Bộ TT&TT đề xuất tăng ngân sách đặt hàng báo chí (Hình 2).

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cùng các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội báo toàn quốc 2023 (Ảnh: Hữu Thắng).

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Thủ tướng quan tâm đầu tư vào nền tảng cho báo chí, tăng đầu tư cho cơ quan báo chí, bởi “không có vũ khí thì không thể chiến đấu”.

Ngoài ra, trong chuyển đổi số cũng cần thay đổi mô hình hoạt động, Bộ TT&TT đang làm việc với cơ quan báo chí để đề xuất Chính phủ mô hình cơ chế hợp lý và hoạt động của cơ quan báo chí trong môi trường số, trong một hệ sinh thái mới.

Hiện nay, chi thường xuyên cho báo chí thông qua giao nhiệm vụ và đặt hàng chỉ dưới 0,5% tổng chi ngân sách thường xuyên của Nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn lại không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách. Theo ông, quan tâm đến báo chí nước nhà cần cả hệ thống chính trị, cả về con người, cả về kinh tế báo chí.

“Chúng tôi mong muốn Thủ tướng chỉ đạo chính quyền các cấp tăng thêm 30% ngân sách đặt hàng báo chí, tăng từ dưới 0,5% lên ít nhất 0,65% chi ngân sách thường xuyên”, ông Hùng đề xuất.

Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng gửi lời chúc các cơ quan báo chí, nhà báo, người làm báo cả nước phát huy tinh thần báo chí cách mạng, có tinh thần phụng sự, “chúc báo chí ứng vạn biến nhưng luôn giữ cái bất biến là giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng”.

Trăn trở đổi mới cơ chế quản lý đối với các Hội

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao những kết quả Hội Nhà báo Việt Nam, tổ chức Hội Nhà báo các cấp đã đạt được, là cầu nối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Nội vụ cho rằng báo chí cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong xu thế của công nghệ 4.0, chuyển đổi số.

Về thi nâng ngạch cho các tổ chức Hội, bà Trà khẳng định vấn đề này không vướng, nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì đề nghị để tổ chức thi nâng ngạch cho các nhân sự là biên chế của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo các cấp.

Riêng thi nâng hạng, hiện Bộ Nội vụ đang tham mưu bỏ thi nâng hạng, trước mắt thực hiện xét thăng hạng theo tiêu chuẩn, điều kiện để khắc phục nhiều vấn đề bất cập. Hướng tới bỏ việc thi nâng hạng, xét thăng hạng để trả lương theo vị trí việc làm.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng bày tỏ sự trăn trở làm sao để đổi mới được cơ chế quản lý đối với các Hội, đặc biệt Hội Nhà báo, cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp.

“Chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ, đặc biệt trên các diễn đàn Quốc hội chúng tôi đang cố gắng làm sao đổi mới cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp”, bà Trà nói và cho biết muốn đổi mới cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp thì phải đổi mới các cơ chế tài chính.

Bà cũng mong muốn Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương trong việc đổi mới các đơn vị sự nghiệp nói chung. Đặc biệt, đối với đơn vị sự nghiệp là các cơ quan báo chí để làm sao có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí từ cơ chế tài chính này một cách đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt cho tất cả các cơ quan báo chí nhằm phát huy vai trò của báo chí chủ lực, cũng như tất cả các cơ quan báo chí.

“Phải có cơ chế của Nhà nước đặt hàng và giao nhiệm vụ một cách minh bạch, rõ ràng, cụ thể hơn nữa để thể hiện vai trò quan tâm của Nhà nước đối với hệ thống báo chí. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính chủ trì”, bà Trà cho hay.