Kỳ vọng cơ hội “vàng” trong năm 2024, Sabeco đặt mục tiêu tham vọng

Admin

Nhận định có nhiều lợi thế phát triển trong năm 2024, Sabeco dự kiến trình cổ đông kế hoạch doanh thu thuần đạt 34.397 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.580 tỷ đồng.

Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (HoSE: SAB) vừa công bố thông tin liên quan đến ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của công ty. Theo đó, ĐHĐCĐ thường niên của công ty dự kiến được tổ chức ngày 25/04 tại 80 Đông Du, quận 1, Tp.HCM, theo danh sách chốt ngày 25/03/2024. 

Theo tài liệu được công bố, Sabeco dự kiến mục tiêu doanh thu thuần đạt 34.397 tỷ đồng, tăng 13%; lợi nhuận sau thuế đạt 4.580 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2023. Đồng thời, Sabeco cũng dự kiến trình cổ đông kế hoạch trả cổ tức năm 2024 với tỉ lệ 35%.

Về tình hình kinh doanh năm 2023, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 30.461 tỷ đồng và lãi sau thuế 4.255 tỷ đồng, lần lượt giảm 13% và 23% so với nền cao kỷ lục năm 2022. 

Dựa theo tình hình kinh doanh trên, Sabeco đề xuất phân phối lợi nhuận năm 2023 bằng hình thức trả cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 35% (tức 3.500 đồng/cổ phiếu), tương ứng với số tiền dự chi 4.489 tỷ đồng.

Trước đó, Sabeco đã tạm ứng cổ tức đợt một với tỉ lệ 15%. Do đó, doanh nghiệp dự kiến trả cổ tức đợt 2 với tỉ lệ 20% (2.000 đồng/cổ phiếu) vào ngày 31/7 năm nay. 

Thông tin trong tài liệu ĐHĐCĐ, Sabeco nhận định ngành bia Việt Nam vốn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 cũng như tác động từ một số cơ chế chính sách liên quan như Luật phòng chống tác hại rượu bia, Nghị định 100 khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chưa như kỳ vọng.

Ngoài ra, việc người dân thắt chặt chi tiêu với việc thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn đối với thiết kế bao bì, chất lượng,.. cũng là một áp lực đổi với các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chi mạnh trong các chiến dịch quảng cáo và khuyến mãi để tăng sức cạnh tranh và đẩy mạnh tiêu thụ.

Sabeco dự báo Nghị định 100 sẽ tiếp tục là một rào cản lớn kìm hãm sự phục hồi của ngành bia trong năm nay, chưa kể đến các yếu tổ như chi phí sản xuất kinh doanh như bao bì, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển vẫn ở mức cao, biến động bất thường và dự kiến tiếp tục tăng mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.

Khi những điều luật và chính sách nêu trên vẫn còn những tác động đáng kể đến ngành bia thì thông tin Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe, trong đó có rượu, bia trong dự thảo mới nhất về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tiếp tục là một sức ép không nhỏ đến các doanh nghiệp trong ngành.

Dù vậy nhưng năm 2024 tiếp tục mang đến các cơ hội "vàng" cho ngành bia Việt Nam như cơ cấu dân số vàng, thu nhập tăng nhanh, tiềm năng lớn của phân khúc "bia không cồn" và tiềm năng về thị trường xuất khẩu. Sự cạnh tranh tiếp tục diễn ra gay gắt giữa các công ty sản xuất bia nhằm giành thị phần cao hơn.