Lăng kính chứng khoán 20/11: Xuất hiện nhiều tín hiệu phục hồi

Admin

Nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh trong xu thế đi lên của thị trường để gia tăng tỉ trọng cổ phiếu, ưu tiên nhóm xuất khẩu, đầu tư công, bất động sản.

Thị trường trải qua tuần giao dịch đầy biến động khi ghi nhận cú đảo chiều đột ngột giảm 24,34 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần, lấy đi gần hết nỗ lực phục hồi của các phiên trước đó.

Đáng chú ý, thanh khoản thị trường trong phiên cuối tuần cũng tăng đột biến với tổng giá trị giao dịch đạt 28.211 tỷ đồng – cao nhất trong 2 tháng qua. Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trong tuần đạt 21.243 tỷ đồng, tăng 4,6% so với tuần trước.

Kết tuần 13 - 17/11, chỉ số VN-Index giảm 0,49 điểm, tương đương 0,04% so với cuối tuần trước xuống 1.101,19 điểm.

Nhà đầu tư ngoại tăng cường bán ròng trên HoSE với giá trị tuần qua đạt 1.346 tỷ đồng, tăng 11% so với tuần trước. Xu hướng mua ròng trên HNX và UPCoM đảo chiều khi khối ngoại ghi nhận giá trị bán ròng lần lượt 118 tỷ và 86 tỷ đồng.

Trong ngắn hạn, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam và ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường VNDirect đều cho rằng nhiều chỉ báo cho thấy đà phục hồi đang có dấu hiệu cải thiện.

Người Đưa Tin (NĐT): Áp lực bán trong phiên cuối tuần đã “thổi bay” nỗ lực tăng điểm trong 4 phiên trước, thanh khoản cũng tăng đột biến với khối lượng giao dịch vượt ngưỡng 1,25 tỷ cổ phiếu. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Ông Nguyễn Thế Minh: Tôi cho rằng, sau nhịp tăng khá nhanh và mạnh hơn 100 điểm với nhiều cổ phiếu tăng khá mạnh từ đáy, nhiều nhà đầu tư cũng có lãi khá tốt nên áp lực chốt lời là không tránh khỏi. 

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu "họ" Vin chịu áp lực bán mạnh đã kéo thị trường chung giảm sâu. Đà lao dốc của nhóm cổ phiếu này xuất phát từ những tin đồn chưa được xác thực liên quan đến nhóm này và thị trường đang có phần phản ứng hơi thái quá trước thông tin. 

Thứ ba, thông thường thị trường cũng thường có biến động mạnh trong hoặc sau phiên đáo hạn phái sinh. 

Về tín hiệu từ thanh khoản dâng cao trong phiên giảm mạnh, thông thường đây là một tín hiệu không mấy tích cực cho thấy áp lực bán tháo đang mở rộng.

Điểm sáng trong phiên là không có hiệu ứng domino giảm đồng loạt ở tất cả các nhóm cổ phiếu mà có sự phân hoá rõ rệt. Mặc dù cổ phiếu vốn hoá lớn bị chốt lời mạnh, nhưng nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ vẫn giữ vững phong độ. Điều này phần nào cho thấy lực cầu bắt đáy giá thấp có thể vẫn đang chờ đợi thị trường về vùng cân bằng để giải ngân.

Ông Đinh Quang Hinh: Thị trường giao dịch thận trọng hơn trong phiên ngày thứ 5 với tin tức đáo hạn hợp đồng tương lai VN30F2311 cùng với việc khả năng chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai tại Kỳ họp Quốc hội lần này.

Trong phiên cuối tuần, các chỉ số điều chỉnh mạnh do thông tin tiêu cực liên quan tới “họ” Vin và hoạt động chốt lời của nhà đầu tư.

Tuần qua, 3 cổ phiếu thuộc tập đoàn Vingroup ảnh hưởng mạnh nhất đến chỉ số chung với VHM (-7,9%), VIC (-6,1%), VRE (-4,8%) lấy đi 7 điểm của VN-Index. Ngược lại, các cổ phiếu vốn hóa lớn BID (+1,7%), MSN (+3,9%), MWG (+5,1%) và GVR (+2,3%) đã hỗ trợ, kìm lại đà giảm của thị trường.

Tài chính - Ngân hàng - Lăng kính chứng khoán 20/11: Xuất hiện nhiều tín hiệu phục hồi

Diễn biến chỉ số VN-Index trong tuần 13 - 17/11 (Nguồn: FireAnt).

NĐT: Ông hãy cho biết những thông tin đáng chú ý trong tuần tới và định hướng hành động cho nhà đầu tư vào thời điểm này là gì, theo ông?

Ông Nguyễn Thế Minh: Trong bối cảnh tâm lý thị trường chưa thực sự ổn định sau phiên cuối tuần và nhiều nhà đầu tư vẫn đang "tìm cớ" để bán, tôi cho rằng thông tin liên quan đến vụ Vạn Thịnh Phát có thể tác động đến thị trường trong ngắn hạn. Tuy nhiên, những thông tin này có thể không tác động mạnh như thời điểm năm 2022.

Trong trường hợp VN-Index vẫn giữ vững mốc 1.080 điểm, xu hướng tăng của thị trường vẫn chưa bị vi phạm và nhà đầu tư có thể yên tâm nắm giữ.

Trong tuần tới, nhà đầu tư cần quan sát thanh khoản, nếu thanh khoản tiếp tục được duy trì, đà tăng của chỉ số sẽ được củng cố. Cùng với đó, trường hợp nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường là nhóm bất động sản quay trở lại đà tăng với thanh khoản cải thiện sẽ giúp thị trường tránh áp lực bán trong tuần tới.

Với quan điểm đây chỉ là nhịp điều chỉnh trong xu hướng tăng và thị trường chưa gãy trend tăng ngắn hạn, tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên bình tĩnh, tận dụng cơ hội để giải ngân trong tuần giao dịch tới.

Ông Đinh Quang Hinh: Theo tôi, vĩ mô đang cho thấy xu hướng cải thiện khá tích cực. Cụ thể, áp lực tỉ giá trong nước đã hạ nhiệt đáng kể trong bối cảnh thị trường tin rằng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất điều hành. Tỉ giá hạ nhiệt đã cho phép chính sách tiền tệ "dễ thở hơn".

Lo ngại về nguy cơ "đảo chiều chính sách tiền tệ trong nước" đã được gỡ bỏ và điều này sẽ giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong những tuần giao dịch cuối năm.

Ngoài vấn đề tỉ giá và chính sách tiền tệ, nhiều chỉ báo cho thấy đà phục hồi tăng trưởng của Việt Nam đang có dấu hiệu cải thiện. Liên tiếp trong 2 tháng gần đây, xuất khẩu đã ghi nhận tăng trưởng dương trở lại với tốc độ tháng sau cao hơn tháng trước.

Đồng thời, các chỉ báo khác liên quan tới công nghiệp, dòng vốn FDI cũng cho thấy xu hướng cải thiện tích cực. Trong bối cảnh đó, tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh quý IV của các doanh nghiệp niêm yết sẽ phục hồi tích cực và là lực đẩy cho thị trường chứng khoán từ nay tới Tết âm lịch.

Do vậy, nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh trong xu thế đi lên của thị trường để gia tăng tỉ trọng cổ phiếu, ưu tiên các nhóm ngành có triển vọng kết quả kinh doanh cải thiện tích cực trong quý IV như nhóm xuất khẩu (thép, đồ gỗ, nội thất,…), đầu tư công, bất động sản khu công nghiệp và chứng khoán.