Ngân sách Nhà nước hàng năm cho bảo vệ môi trường rất hạn hẹp

Admin

Đầu tư cho đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu cần có chiến lược lâu dài, linh hoạt tạo cơ hội cho các bên tham gia đóng góp nguồn lực.

Sáng 20/6, Hội thảo “Xã hội hóa nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu” đã được tổ chức nhằm thực hiện tốt hơn chủ trương xã hội hóa, huy động nguồn lực hiệu quả để chung tay góp phần vào mục tiêu quốc gia và toàn cầu về bảo tồn thiên nhiên, thích ứng biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại sự kiện, TS. Lê Công Lương - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học công nghệ và Môi trường đã chia sẻ một số kết quả đạt được của Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) trong xã hội hóa ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Kinh tế vĩ mô - Ngân sách Nhà nước hàng năm cho bảo vệ môi trường rất hạn hẹp

TS. Lê Công Lương - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học công nghệ và Môi trường LHHVN (Ảnh: Tô Bích Ngọc)

“Dưới sự chủ trì điều phối của LHHVN, hàng loạt các đề án, chương trình, nhiệm vụ cấp quốc gia và cấp vùng đã được LHHVN và các hội thành viên, các tổ chức KHCN đã tư vấn, phản biện và giám định xã hội, góp phần hình thành các luận cứ khoa học cho các cơ quan chức năng có thêm thông tin và căn cứ để đưa ra các quyết định phù hợp, khách quan”, ông Lương cho biết.

Bên cạnh đó, các mạng lưới liên kết các tổ chức cùng hoạt động liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được hình thành. LHHVN cũng tích cực trong việc đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực, tổ chức các hoạt động nghiên cứu, điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu, các dự án góp phần xã hội hóa hoạt động, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản trị tài nguyên và bảo vệ môi trường 

Tuy nhiên, ông Lương cho biết, hoạt động xã hội hóa ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường của các hội ngành và các các đơn vị khoa học và công nghệ thuộc LHHVN nói chung và của các đơn vị khoa học và công nghệ thuộc nói riêng vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ.

Kinh tế vĩ mô - Ngân sách Nhà nước hàng năm cho bảo vệ môi trường rất hạn hẹp (Hình 2).

Toàn cảnh hội thảo.

“Việc tiếp nhận, phê duyệt dự án và triển khai thực hiện hết sức khó khăn. Nhiều đơn vị xin được phê duyệt dự án thì đã quá thời hạn giải ngân”, ông Lương nói.

Một trong những nguyên nhân là do môi trường pháp lý chưa rõ ràng thuận lợi cho hoạt động hoạt động xã hội hóa ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường của LHHVN.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Phấn - Giám đốc Trung tâm GD&TT môi trường, nhiều quốc gia trên thế giới rất quan tâm đến xã hội hóa nguồn lực trong ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo tồn  dạng sinh học. 

Ví dụ cụ thể, ông Phấn cho biết: “Tại Singapore, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Bỉ đã thực hiện rất thành công xã hội hóa, người phát sinh chất thải phải chi trả tiền, người vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh, còn người thu gom, xử lý chất thải”. 

Tại Việt Nam, theo ông Phấn, để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, cần có sự chung tay của toàn xã hội. Hiện nay ngân sách Nhà nước dành cho bảo vệ môi trường hàng năm rất hạn hẹp (1% tổng chi ngân sách), lại chỉ tập trung cho các dự án lớn, yêu cầu vốn đầu tư cao như xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị, BVMT lưu vực sông, giải quyết triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, kè đê biển, đê sông ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Do vậy rất cần phải huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, đúng như lời Hồ Chủ Tịch đã căn dặn “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu vẫn xong” đã thể hiện rõ tầm quan trọng của xã hội hóa”, ông Phấn nói.

Kinh tế vĩ mô - Ngân sách Nhà nước hàng năm cho bảo vệ môi trường rất hạn hẹp (Hình 3).

Đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học và đặc biệt là phục hồi các hệ sinh thái, phục hồi các loài nguy cấp cần nguồn lực lớn (Ảnh: Thu Huyền).

Từ những thực tế trên, theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD): “Đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học và đặc biệt là phục hồi các hệ sinh thái, phục hồi các loài nguy cấp cần nguồn lực lớn và thời gian.

Mặc dù cần đầu tư lớn và lâu dài, xong các kết quả thường khó có thể đo tính được một các cụ thể, rõ ràng trong ngắn hạn, chính vì thế, đối với các nước nghèo, nước đang phát triển thì các chi phí đó khó có thể được ưu tiên do nguồn lực đang được dành cho các hoạt động khác như hạ tầng, y tế, giáo dục, phát triển nông thôn…”

Bên cạnh đó, ông Hà cũng chia sẻ những khó khăn liên quan đến thiếu nguồn tài chính bền vững cho bảo tồn loài hoang dã; thiếu các chính sách tài chính linh hoạt và cơ chế xã hội hóa.

Từ đó, ông Hà đưa ra đề xuất: “Đầu tư cho đa dạng sinh học cần mang tính lâu dài và cần chiến lược dài hơi có tính linh hoạt cao, tạo cơ hội cho tất cả các bên tham gia đóng góp, đầu tư. Bên cạnh sự đầu tư dài hạn và chủ đạo của ngân sách tập trung yếu cho đầu tư công, duy trì quỹ lương, các hoạt động cơ bản của hệ thống hành chính/quản lý. Để hỗ trợ và giảm gánh nặng đầu tư công, Việt Nam cũng cần tận dụng tối đa các nguồn tài trợ, hỗ trợ quốc tế”.

Đồng thời, ông Hà cũng nhấn mạnh sự cần thiết trong việc phát huy giá trị của các nguồn lực đang bỏ quên. Theo đó, nguồn lực từ khối doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh và đóng góp từ người dân Việt Nam sẽ là những nguồn lực quan trọng nhất và bền vững nhất đa dạng sinh học của Việt Nam. 

Ngoài ra, ông Hà cũng đưa ra đề xuất với việc mở rộng các cơ chế chi trả, định hướng chiến lược và lộ trình cho việc huy động nguồn lực giai đoạn mới.

Phương Anh - Hoàng Nam