Nghe lời dụ của chồng "bỏ phố ra đảo" ở, vợ thấm cảnh khổ cực, 12 năm mới đỡ vất vả

Admin

Những ngày ở đảo, chị Tuyết chán nản vì bốn bề xung quanh toàn ruộng muối. Thế nhưng cảnh điện nước thiếu thốn mới thực sự khiến chị bật khóc.

Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết (SN 1978) vốn sinh ra và lớn lên ở Nhơn Trạch, Đồng Nai. Cách đây 12 năm, chị quen anh Nguyễn Ngọc Lâm (SN 1968) - một thợ làm muối trên đảo Thiềng Liềng (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM).

Gia đình anh Lâm lập nghiệp trên đảo, từ nhỏ anh theo cha mẹ ra đây sinh sống. Năm 8 tuổi, anh theo chân cha ra ruộng muối, được ông chỉ bảo cách làm nghề.

Năm 2005, anh Lâm được phân làm trưởng ấp trên đảo Thiềng Liềng. Trong lần chị Tuyết ra đảo công tác, anh bỗng cảm mến, ngỏ ý làm quen. Cả anh Lâm và chị Tuyết từng trải qua cuộc hôn nhân đổ vỡ và có con riêng.

Nhưng phải đến 3 năm sau, anh Lâm mới bắt đầu chủ động tìm hiểu, tấn công. Anh theo chị về tận Đồng Nai để "trồng cây si".

Nghe lời dụ

Anh Lâm là thợ làm muối trên đảo Thiềng Liềng

Cùng cảnh "rổ rá cạp lại", chị Tuyết mở lòng cho người đàn ông lớn hơn mình 10 tuổi cơ hội.

"Ngày ấy, tôi tâm sự rất thật lòng với bà xã. Tôi nói anh chỉ còn có bộ đồ trên người, nếu em đồng ý mà không màng tài chính, mình đến với nhau vì tâm hồn, vì sự quý mến thì chúng ta cùng tiếp tục quãng đời còn lại", anh Lâm nói.

Từ nhỏ chị Tuyết vốn là tuýp người độc lập, tự làm ra kinh tế. Chị tâm niệm, không quan trọng tiền ít hay nhiều, chỉ cần người bạn đời chín chắn, cầu tiến thì ắt sẽ có tương lai.

"Lúc đầu tôi cũng không để ý đến anh lắm, sau trao đổi nhiều lần cũng có thiện cảm. Cả hai từng dang dở, đến khi anh nhắn tin tán tỉnh, tôi mới suy nghĩ và cảm nhận anh là người đàn ông của gia đình. Từ từ rồi tiến tới yêu đương", chị Tuyết nói.

Nghe lời dụ

Chị Tuyết quen chồng trong một lần đi công tác trên đảo

Khổ cực nhưng vợ chồng luôn có nhau

Năm 2010, anh Lâm thuyết phục chị Tuyết về chung một nhà. Chị Tuyết "nghe lời dụ" của chồng, chuyển từ Đồng Nai về đảo Thiềng Liềng cùng anh Lâm làm muối. Những ngày đầu, chị thấm cảnh sống thiếu thốn, bốn bề toàn rừng cây, ruộng muối. Điện cũng không có để dùng, nhà phải xài đèn dầu.

"Nước ngọt phải vận chuyển bằng ghe nửa tiếng mới tới, cứ tới chiều muỗi bay lửng lửng cả bầy. Nhưng tôi không chán nản vì tính tôi từ xưa, đi đâu cũng sống được. Dù khó khăn nhưng vẫn cố gắng hòa nhập", chị Tuyết tâm sự.

Trước đây con gái riêng của chị Tuyết sống chung nhà, đến khi lấy chồng mới dọn ra riêng. Năm 2012, chị Tuyết mang bầu bé trai. Việc sinh nở trên đảo khó khăn, chị phải ra ở nhờ nhà bác sui của ba mẹ chồng ở dưới thị trấn Tân Thạnh (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An). Nhưng tuổi cao, bác sĩ khuyên chị Tuyết nên lên bệnh viện lớn trên thành phố để mổ. Anh Lâm là người kề cạnh, hộ tống vợ trong suốt quãng thời gian đó.

Nghe lời dụ

Tổ ấm sau 12 năm

Con trai chị Tuyết chào đời bình an. Nay cậu bé đã học tới lớp 6. Thương con phải đi học xa, cảnh thuyền đò vất vả nên chị Tuyết gửi con lên nhà ngoại ở Đồng Nai, tiếp tục chương trình trung học cơ sở.

Ở đảo chỉ còn 2 vợ chồng già ở với nhau. 12 năm chung sống, chị Tuyết và anh Lâm đôi khi cũng "xô bát xô đũa" nhưng chưa bao giờ dỗi lâu.

Chị Tuyết tự nhận nóng tính hơn chồng nhưng không giận dai. Còn anh Lâm luôn là người chủ động xuống nước làm hòa.

Hiện chị Tuyết đang làm du lịch cho hợp tác xã trên đảo, phải đi ngoại giao nhiều. Anh Lâm thấu hiểu công việc của vợ nhưng không bao giờ ghen.

"Đó là trách nhiệm của người chồng, hơn nữa mình hiểu công tác ngoại giao vì đã từng làm nên mình biết. Bà xã là người rất cực, vì là người dẫn đầu. Nhiều lúc bả ấy đi tiếp đoàn cả ngày, tôi ở nhà tự nấu tự ăn thôi", anh Lâm cười.

Nghe lời dụ

Chị Tuyết nhận xét, chồng tuy hay nhậu nhưng lại biết quan tâm vợ. Ngày 8/3 vừa qua, chị rất hạnh phúc khi đón nhận bó hoa từ chồng. Ngày sinh nhật chị, anh Lâm cũng ấp ủ kế hoạch, giấu quà tạo bất ngờ cho vợ.

"Ở tuổi này, đôi khi thứ phụ nữ cần không phải là tiền bạc mà là sự chăm sóc, tỉ mỉ dành cho đối phương. Đó là điều giúp cuộc sống vợ chồng hạnh phúc", chị Tuyết tâm sự.

Nguồn: Tình trăm năm