Thủ tướng: Xây dựng một Chính phủ đủ năng lực quản trị trong thời đại số

Admin

Thủ tướng nêu rõ, việc phát triển của mỗi quốc gia trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài, vừa tổng thể, vừa bao trùm.

Chiều 14/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0 năm 2023 với chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Phải cố gắng đi sau nhưng về trước

Theo Thủ tướng, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà khoa học công nghệ phát triển như vũ bão và thực sự đang bước vào giai đoạn phát triển mới với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó có chuyển đổi số và tăng trưởng xanh đã tác động toàn diện, sâu sắc đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam trên các lĩnh vực với những khía cạnh chủ yếu.

Thủ tướng nêu rõ, việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài, vừa tổng thể, vừa bao trùm.

Đối với Việt Nam, ý thức rõ về cơ hội và yêu cầu, Chính phủ đã chủ động thích ứng, đổi mới để phát triển mà trước hết, không ngừng nỗ lực để tiếp tục xây dựng một Chính phủ có đủ năng lực quản trị phát triển trong thời đại số. Đồng thời, các cấp, các ngành và toàn xã hội đã có những thay đổi từ nhận thức đến hành động để tận dụng cơ hội và thích ứng với thách thức của thời đại số, tăng trưởng xanh.

Tiêu điểm - Thủ tướng: Xây dựng một Chính phủ đủ năng lực quản trị trong thời đại số

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn.

Vừa qua, chuyển đổi số ở Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng. Thể chế cho phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số đang từng bước được hoàn thiện. Chuyển đổi số trong nội khối cơ quan hành chính nhà nước đã có nhiều kết quả tích cực.

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến có chuyển biến rõ rệt, với gần 4.400 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Các cơ sở dữ liệu làm nền tảng để triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số tiếp tục được thúc đẩy triển khai, kết nối, chia sẻ phục vụ xây dựng Chính phủ số.

Thủ tướng trân trọng ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, sâu sắc và nhiều khuyến nghị chính sách, giải pháp đẩy nhanh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chỉ ra cơ hội và thách thức của các chuyên gia, nhà quản lý trong nước, quốc tế tại diễn đàn.

Đề cập đến mục tiêu cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, giai đoạn 2021-2030 sẽ tập trung chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế.

Giai đoạn 2031-2045, tập trung nâng cao chất lượng công nghiệp hóa và đẩy mạnh hiện đại hóa toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Về mục tiêu phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Việt Nam được đánh giá là quốc gia đã có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và có tiềm năng lớn. Tuy nhiên, với xuất phát điểm chậm hơn nên hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn có khoảng cách so với một số nước trong khu vực và trên thế giới.

"Chúng ta phải cố gắng đi sau nhưng về trước, nếu không sẽ lạc hậu so với các nước và khoảng cách càng xa đuổi kịp càng khó", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường. Đặc biệt, Chính phủ sẽ có cơ chế thí điểm, đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro nhằm tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Kiên định nỗ lực hướng đất nước hùng cường

Để thực hiện nhiệm vụ đề ra, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy từ quản lý sang kiến tạo phát triển. "Tư duy tốt sẽ mang lại nguồn lực, sự đổi mới sẽ mang lại động lực cho chúng ta", Thủ tướng nhấn mạnh phải hoàn thiện thể chế cho phù hợp với sự phát triển, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số và tăng trưởng xanh.

Tiêu điểm - Thủ tướng: Xây dựng một Chính phủ đủ năng lực quản trị trong thời đại số (Hình 2).

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan khu vực triển lãm tại diễn đàn.

Tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược để tạo động lực cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng là nội dung quan trọng được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đang đặc biệt quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, nhất là các dự án kết nối vùng, kết nối bắc nam. Từ đầu nhiệm kỳ, đã có gần 600km đường bộ cao tốc được đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam cũng được triển khai với công việc ban đầu là tìm nguồn vốn.

Cùng với hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông cũng được chú trọng với quyết tâm không để vùng lõm viễn thông, không bỏ ai lại phía sau.

"Phải thúc đẩy các dự án khác, đa dạng hóa nguồn lực để làm, tìm mọi cách để phát triển và phải biến không thành có, biến khó thành dễ, thấy khó khăn chùn bước sẽ không bao giờ thấy kết quả", Thủ tướng nêu rõ.

Quán triệt cần tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia, song theo người đứng đầu Chính phủ, công nghiệp hóa, hiện đại hóa vẫn phải do con người Việt Nam thực hiện trên tinh thần tự lực tự cường.

Là nền kinh tế phát triển năng động, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam kiên định nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đến năm 2045 phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

"Đây là mục tiêu rất lớn nhưng tình hình thế giới khó khăn nên đòi hỏi ta phải có sự phát triển đột phá dựa vào khoa học công nghệ, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh", Thủ tướng nhấn mạnh.