Vietnam Airlines lấy tiền ở đâu để mua 50 máy bay Boeing 737 Max với giá trị 10 tỷ USD?

Admin

Vietnam Airlines nhấn mạnh đã và sẽ tiếp tục làm việc với các định chế tài chính để tìm kiếm các cơ hội và giải pháp thu xếp vốn cho dự án phù hợp nhất, bao gồm cả các giải pháp ngắn, trung hạn cho khoản tiền trả trước cũng như giải pháp bán và thuê lại.

Ngày 11/9, hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines và Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing đã ký kết bản ghi nhớ về việc chào bán 50 máy bay thân hẹp Boeing 737 Max với giá trị 10 tỷ USD.

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa cho biết động thái này nằm trong chiến lược phát triển đội máy bay giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó, đầu tư máy bay là dự án trọng điểm để Vietnam Airlines đảm bảo đạt được mục tiêu.

"Dự án đầu tư đội máy bay thân hẹp nhằm phục vụ cho kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ của Vietnam Airlines trên các đường bay nội địa và khu vực châu Á. Đồng thời, giúp chúng tôi hoàn thiện đội máy bay hiện đại, tiện nghi và tiết kiệm nhiên liệu", ông Hòa cho hay.

Chia sẻ với báo giới chiều 11/9, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết Boeing B737 Max là dòng máy bay thân hẹp với cấu hình từ 150 - 230 1 hạng ghế, được đánh giá phù hợp với nhu cầu phát triển đội tàu bay, nâng cao chất lượng dịch vụ của hãng trên các đường bay nội địa và khu vực châu Á. Đồng thời, dòng này còn giúp Công ty hoàn thiện đội máy bay hiện đại, tiện nghi và tiết kiệm nhiên liệu.

Theo kế hoạch đề ra, Vietnam Airlines cần bổ sung khoảng 60 máy bay đến năm 2030 và khoảng 100 máy bay thân hẹp, đến năm 2035. Đến nay, đội máy bay của Vietnam Airlines hiện có 100 chiếc. Trong số này có 65 máy bay thân hẹp, khai thác hơn 97 đường bay tới 21 điểm nội địa và 29 điểm đến quốc tế, kết nối các thành phố lớn của thế giới với các điểm du lịch hấp dẫn tại Việt Nam.

Đáng chú ý, về việc thu xếp tài chính thế nào để mua máy bay, Kế toán trưởng Vietnam Airlines Trần Thanh Hiền cho hay: Đây là dự án quy mô rất lớn và việc đảm bảo nguồn vốn luôn được quan tâm đặc biệt.

"Để triển khai dự án, Vietnam Airlines chắc chắn phải đảm bảo và có khả năng tự chủ một phần nguồn vốn sau quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu, phục hồi, phát triển sau đại dịch. Bên cạnh nguồn vốn chủ động, chúng tôi cũng kỳ vọng và tin tưởng vào sự hỗ trợ thu xếp tài chính của Boeing, cũng như Chính phủ Mỹ", ông Hiền nói.

Hiện, Vietnam Airlines nhấn mạnh đã và sẽ tiếp tục làm việc với các định chế tài chính để tìm kiếm các cơ hội và giải pháp thu xếp vốn cho dự án phù hợp nhất, bao gồm cả các giải pháp ngắn, trung hạn cho khoản tiền trả trước cũng như giải pháp bán và thuê lại.

Sau loạt khó khăn do Covid-19, tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines đang từng bước hồi phục. Trong quý 2/2023, Vietnam Airlines đạt tổng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ 20.696 tỷ đồng, cao hơn 12,3% so với quý 2/2022. Đây cũng là quý thứ 7 liên tiếp doanh thu của Vietnam Airlines tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.

Sau khi trừ đi giá vốn, Vietnam Airlines ghi nhận lãi gộp 929 tỷ đồng trong quý 2/2023. Đây cũng là quý lãi gộp thứ hai liên tiếp của tổng công ty.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng công ty đạt doanh thu hơn 44.000 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ; lãi gộp đạt gần 2.900 tỷ, khả quan hơn nhiều so với khoản lỗ gộp nửa đầu năm ngoái.

Sau khi hạch toán hết các khoản chi phí, Vietnam Airlines lỗ sau thuế 1.331 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.